Nếu bạn thấy trên da dần xuất hiện các đốm đen, đốm nâu, đồi mồi thì đừng quá hoang mang. Hãy tham khảo bài viết sau của bác sĩ Huệ để biết nguyên nhân là gì và cách khắc phục hiệu quả nhất.
1. Vì sao xuất hiện đốm đen, đốm nâu, đồi mồi trên da?
Melanin là sắc tố mang lại màu da, càng sản xuất nhiều melanin, da càng sẫm màu. Khi da tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, cơ thể sẽ sản sinh thêm melanin để bảo vệ da khỏi tia cực tím (UV) của mặt trời. Các đốm tăng sắc tố (đốm đen, nâu) hay còn gọi là đồi mồi xuất hiện khi melanin dư thừa ở da trở nên dày đặc.
Đồi mồi có những đặc điểm sau:
- Xuất hiện ở những vùng da thường tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như: mặt, mu bàn tay, vai, cánh tay, mu bàn chân.
- Xuất hiện đơn lẻ hoặc theo cụm và có kích thước khác nhau.
- Có xu hướng xuất hiện ở những người từ 40 tuổi trở lên, cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ tuổi thường xuyên tiếp xúc cường độ cao với ánh nắng mặt trời.
- Xuất hiện ở mọi loại da nhưng phổ biến hơn ở những người có làn da sáng hơn, nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
2. Bác sĩ chẩn đoán và điều trị đốm nâu, đốm đen đồi mồi trên da
Bác sĩ khám trực tiếp hoặc soi da
Bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và soi da khi xuất hiện đồi mồi quá nhiều trên da hoặc có biểu hiện không bình thường. Trong một số trường hợp, có thể khó phân biệt với khối u ác tính (một loại ung thư hình thành ở tế bào sắc tố da). Nếu cần thiết bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt bằng phương pháp sinh thiết da.
Bác sĩ tiến hành điều trị
Các đốm đồi mồi là vô hại và không cần điều trị. Tuy nhiên, vì chúng có thể giống với ung thư da, có thể tìm gặp bác sĩ để được thăm khám khi cần thiết.
Nếu muốn loại bỏ đồi mồi vì lý do thẩm mỹ, có nhiều lựa chọn khác nhau.
- Kem bôi chứa các thành phần: retinoids, cortisone, hydroquinone, làm sáng dần các đốm đồi mồi theo thời gian nhưng đôi khi có thể gây kích ứng da. Vì vậy, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định lựa chọn loại kem phù hợp.
- Bác sĩ có thể thực hiện một trong các thủ thuật sau:
- Liệu pháp áp lạnh, loại bỏ vết đồi mồi bằng chất lạnh, chẳng hạn như nitơ lỏng.
- Laser hoặc liệu pháp ánh sáng cường độ cao.
- Microdermabrasion (bào mòn da), điều trị không xâm lấn liên quan đến tẩy tế bào chết cho da.
- Peel da sinh học.
Các thủ thuật này đều mang rủi ro và có thể gây sẹo da, cần được thực hiện bởi những bác sĩ có chuyên môn.
Những kỹ thuật này cũng có thể làm cho da nhạy cảm hơn với ánh sáng mặt trời. Nên cần áp dụng các biện pháp bảo vệ, chống nắng cho da. Hãy bôi kem chống nắng cho da hàng ngày trước 20 phút khi đi ra ngoài. Các trường hợp ở trong nhà nhưng có tiếp xúc nhiều với ánh sáng từ máy tính, điện thoại,... thì cũng nên bôi kem chống nắng.